Gỗ gụ là một loại gỗ quý được dùng để đóng đồ gỗ mỹ nghệ như sập gụ, tủ chè, trường kỷ, bàn thờ gia tiên … Gỗ gụ có nhiều loại như gụ ta, gụ Campuchia, gụ Lào, gụ Nam Phi… Vậy cách phân biệt ra sao, bảo quản đồ gỗ gụ như thế nào ?
Vân gỗ gụ
Gỗ gụ: còn có tên là Gụ Lau hay có tên địa phương như: Gõ Dầu, Gõ Sương, Gụ Mật, Gõ Mật … (danh pháp khoa học là: Sindora tonkinensis) là một loài thực vật thân gỗ lớn thuộc họ Đậu. Gỗ gụ là loại gỗ nhóm I loại quý hiếm, loài này đang bị đe dọa do khai thác lạm dụng.
– Có thớ thẳng, vân đẹp mịn, màu vàng trắng, để lâu chuyển màu nâu sẫm, hoặc khi nhúng vào nước vôi sẽ chuyển thành màu nâu sẫm
– Là loại gỗ quý, rất bền, dẻo dai, dễ đánh bóng, không bị mối mọt, ít cong vênh. Gỗ hay được dùng để đóng bàn ghế giường tủ sập cao cấp và nếu được bảo quản trong nhà, những đồ gỗ gụ có thể tồn tại 3-4 trăm năm hoặc lâu hơn.
– Gỗ gụ rất lành cho nên thường được sử dụng để đóng giường, sập, tiếp xúc với da thịt không gây hại cho sức khỏe.
– Gỗ có mùi chua nhưng không hăng. Vỏ cây giàu Vitamin, trước đây thường dùng để nhuộm lưới đánh cá
– Cây gỗ gụ mọc rải rác trong rừng rậm nhiệt đới thường xanh, ưa mưa hay mưa mùa ẩm, ở độ cao không quá 600m trên đất tốt, có tầng dày và thoát nước, phân bố tại Lào, Campuchia, Việt Nam: Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh (Uông Bí: Yên Lập), Hà Bắc, Nghệ An (Quỳ Châu, Nghĩa Đàn), Hà Tĩnh (Kỳ Anh), Quảng Bình, Quảng Trị (Bến Hải: Vĩnh Linh), Thừa Thiên Huế (Hương Điền: sông Bồ, Thừa Lưu), Quảng Nam – Đà Nẵng, Khánh Hòa (Ninh Hòa: núi Hòn Hèo).
2.1 Gỗ gụ Bắc: Là gỗ gụ được khai thác ở các khu rừng phía Bắc như Hòa Bình, Phú Thọ,Yên Bái. Lao Cai … hiện nay cây gỗ gụ gần như bị tuyệt chủng ở các khu rừng phía Bắc. Thực tế, những loại gỗ gụ này chúng ta chỉ thấy còn tồn tại trên các sản phẩm sập gụ, tủ chè, trường kỷ cổ do các cụ đóng cách đây 70-80 năm trở về trước.
Đặc điểm của gỗ gụ này là vân gỗ chìm, toom gỗ rất mịn, gỗ nặng, màu gụ hơi hồng rất đẹp, gỗ có nhiều tinh dầu, lau chùi sẽ bóng lên như sừng. Nếu nhuộm vôi, gỗ chỉ xuống màu gụ vừa phải, không ngả màu tối sẫm như gụ mới bây giờ được nhập về từ Campuchia hay Lào.
Gỗ gụ Bắc hiện nay không còn, cho nên những đồ cổ đóng bằng gỗ gụ này rất có giá trị.
2.2 Gỗ gụ Quảng Bình, hay còn gọi là gụ Ta (để phân biệt với gụ Lào và Campuchia): Là gỗ gụ được khai thác ở các khu rừng từ Nghệ An trở vào tới Quảng Bình, Quảng Trị, và một số khu rừng ở Quảng Nam, Tuy Hòa… Tuy nhiên, những loại gỗ gụ này hiện nay rất khan hiếm và cạn kiệt.
Đặc điểm của gỗ gụ này tuy vẫn là vân chìm, nhưng có những khoảng nổi vân lên từng đám xoắn xít rất đẹp, toom gỗ rất mịn, gỗ nặng, màu gụ hơi hồng, nếu để xuống màu tự nhiên nó rất đẹp, gỗ có nhiều dầu, lau chùi sẽ bóng lên như sừng. Nếu nhuộm vôi, gỗ chỉ xuống màu gụ vừa phải, không ngả màu tối sẫm như gụ Campuchia và gụ Lào.
Gỗ gụ ta rất đẹp và khan hiếm, nên có giá trên thị trường đắt gấp 2-3 lần gỗ gụ Campuchia và gụ Lào.
2.3 Gỗ gụ Campuchia, hay còn gọi là gụ Cam, gụ mật, gõ mật: Là gỗ gụ được khai thác ở các khu rừng bên Campuchia, Bắc Thái Lan và Nam Lào. Những loại gỗ gụ này cũng đang dần khan hiếm và cạn kiệt.
Gỗ gụ Cam có ưu điểm là toom gỗ mịn gần giống gụ ta, nhưng rất ít vân. Gỗ cũng có nhiều tinh dầu, mùi hơi chua. Gỗ nặng, chịu lực rất tốt, dẻo dai, phù hợp với việc đục các họa tiết nhỏ không bị gãy. Gỗ gụ Cam xuống màu tối rất nhanh.
2.4 Gỗ gụ Lào: Là gỗ gụ được khai thác ở các khu rừng phía Bắc Lào và Trung Lào. Những loại gỗ gụ này cũng đang dần khan hiếm và cạn kiệt bởi nạn lam dụng khai thác quá mức.
Gỗ gụ Lào có ưu điểm là vân gỗ rất nổi, khổ gỗ lớn có thể làm các bức tranh, mặt sập … tuy nhiên toom gỗ không được mịn như gụ ta và gụ Cam nên ít được ưa chuộng khi đóng đồ có họa tiết nhỏ. Tuy vậy gỗ gụ Lào cũng có nhiều tinh dầu, chịu lực rất tốt, dẻo dai, phù hợp với việc đóng đồ mỹ nghệ
2.5 Gỗ gụ Nam Phi:
Khoảng 10 năm trở lại đây có nhiều loại gỗ mới được nhập về từ Nam Phi và các nước Châu Phi như Ganna, Ca Mơ Run, Mô Dăm Bích… Trong đó một vài có loại gỗ khi nhuộm vôi thì nó cũng xuống màu gụ và được gọi là gỗ gụ. Có loại gỗ xuống màu gụ, nhưng có mùi rất khó chịu gọi là gụ “Thối”. Thực chất đây là những loại gỗ mới nhập, không phải là gỗ gụ truyền thống, lại chưa được kiểm nghiệm độ bền qua thực tế, có loại không chịu được thời tiết nóng ẩm của Việt Nam nên co ngót rất mạnh, hay cong vênh không thích hợp với việc đóng đồ gỗ mỹ nghệ có đục li ti những họa tiết nhỏ phức tạp.
Tuy nhiên, có một số loại gỗ nhập khẩu từ Nam Phi và Châu Phi đã được thị trường chấp nhận như gỗ gõ đỏ Pachi có vân và toom gỗ rất đẹp, loại gỗ này đang thay thế gỗ gụ truyền thống để đóng đồ mỹ nghệ